Truyền Thuyết Về Tử Vi Đẩu Số (Phần 2)

14 ngôi sao thường gặp trong tử vi là gì và vì sao có những ngôi sao đó?
Tử Vi - Bát Tự • 23/09/2020
Cẩm nang kiến thức phong thủy trực tuyến

 

Sao Tử vi

Linh hồn của Bá Ấp được Thái Bạch Kim Tinh giữ lại ở Nam Thiên môn, sau đó đưa về thiên giới. Vị công tử này chính là người đầu tiên hy sinh trong sự nghiệp diệt vong triều Ân của Cửu Thiên Huyền Nữ. Sau khi linh hồn của công tử được đưa về thiên giới đã được ở trong vườn tường vi màu tím, được gọi là “sao Tử vi”. Bá Ấp đã lấy sao Tử vi này làm chủ, từ đó suy đoán vận mệnh con người. Phương pháp này gọi là Tử vi đẩu số hoặc Tử vi Suy mệnh thuật.

 

Sao Thiên cơ

Khương Thượng còn có tên gọi là Khương Tử Nha, sống trong rừng sâu của núi Côn Luân, tu tiên học đạo, trí tuệ hơn người. Trước khi vận khí chưa đến thì bất luận là vị anh hùng, hiền triết, quân sư nào cũng hoàn toàn giống như người bình thường. Cuộc sống của Khương Tử Nha cho đến già vẫn nổi tiếng là một người có tài nhưng không gặp vận. Bất hạnh của ông có thể nói là nhận ảnh hưởng từ vợ, vì vợ chồng không hòa hợp nên cả đời nghèo nàn, cơ cực. Đến khi về già, mỗi người một đường riêng thì vận may của ông mới bắt đầu. Mỗi ngày ông đều một mình câu cá bên hồ với chiếc cần câu không có lưỡi. Người đời không biết thì cười chê ông, cho rằng ông không bình thường. Nhưng thực chất, việc buông cần câu là để giúp ông tu tâm dưỡng tính.

Sau khi Vũ Vương xưng bá thiên hạ, Khương Tử Nha được phong cho nước Tề, không lâu sau đó thì qua đời. Linh hồn của ông được Thái Bạch Kim Tinh giữ lại đưa về thiên giới, vĩnh viễn tọa ngự ở sao Thiên cơ. Từ đó, sao Thiên cơ chủ quản về trí tuệ trong Tử vi đẩu số.

 

Sao Thái dương

Trụ Vương cuối triều Ân tuy là một vị bạo quân nổi tiếng tàn ngược nhưng những trung thần của ông ta cũng không ít. Trong đó có một vị chí sĩ tận trung nổi tiếng, đó là Tỳ Can. Lúc Trụ Vương sủng ái Đát Kỷ, chìm đắm trong hương sắc mà không màng đến chính sự, Tỳ Can đã dốc hết sức mình khuyên can. Nhưng Trụ Vương chìm đắm trong hương sắc nên coi những lời khuyên đó như gió thoảng bên tai, cho là vô lý. Tỳ Can không sợ bạo quân nổi giận, thường nói những lời khó nghe khuyên can Trụ Vương mà chăm lo dân chúng, rời xa Đát Kỷ nhưng cuối cùng lại bị Trụ Vương coi là gian thần. Lúc này, Tỳ Can vẫn không oán không giận mà nói rằng: “Nếu như bệ hạ không tin tưởng, thần xin được moi tim mình cho bệ hạ xem”.

Nói xong, ông liền rút kiếm phanh ngực, moi tim mình ra cho Trụ Vương xem rồi sau đó nhẹ nhàng nhắm mắt. Thái Bạch Kim Tinh vô cùng cảm động về tinh thần trung liệt hy sinh thần mình vì nghĩa của Tỷ Can, liền mời linh hồn ông về tọa ngự ở sao Thái dương, nắm giữ sự “quang minh chính đại” trong thiên hạ.

 

Sao Vũ khúc

Vũ Vương sau khi đăng cơ, một mặt theo nghiệp diệt Ân phục thù, mặt khác thi hành đức chính, giúp dân chúng an cư lạc nghiệp, bản thân hưởng đủ thiên thọ sau mới qua đời. Thái Bạch Kim Tinh khâm phục võ công anh dũng, thảo phạt Trụ Vương liềm mời linh hồn ông về ngự ở sao Vũ khúc, nắm giữ việc “tài phú” và “võ dũng” vì khi còn sống ông có võ công cái thế, lại tích cực mưu cầu tài phú cho nhân dân.

 

Sao Thiên đồng

Vũ Vương sở dĩ có thể đánh bại Trụ Vương, xưng bá thiên hạ vốn cũng là nhờ vào sự cống hiến và phúc khí lớn của phụ thân là Chu Văn Vương. Sau khi ông qua đời, có rất nhiều trung thần của ông đã sát cánh, phò tá Vũ Vương và họ đều là những bậc anh hùng hào kiệt nổi danh khắp nơi. Văn Vương giỏi về điều hòa dung hợp, khiến thuộc hạ bên dưới đều một lòng ái quốc. Cho nên, tuy tráng chí chưa đạt được nhưng sau khi Văn Vương qua đời, Thái Bạch Kim Tinh đã mời linh hồn ông về tọa ngự ở sao Thiên đồng, nắm giữ “dung hòa ôn thuận”.

 

Sao Liêm trinh

Nếu như xung quanh Trụ Vương đều là chí sĩ tận trung ái quốc có thể sẽ không dẫn đến sự diệt vong của triều Ân. Cũng có thể nói là có rất nhiều gian thần luôn ở bên cạnh, lợi dụng sự chìm đắm trong dục vọng của Trụ Vương để trục lợi. Trong đó có đại gian thần là Phí Trọng, người này đã vu oan làm hại rất nhiều trung thần hiền sĩ trong triều, là kẻ hống hách, lộng quyền.

Sau khi triều Ân diệt vọng, Khương Tử Nha đã hạ lệnh chém đầu Phí Trọng. thái Bạch Kim Tinh biết thần trên thiên giới không đủ nên đã vời linh hồn Phí Trọng đến trú ở sao Liêm trinh, phong làm thần tà ác, chủ về tà ác, sai trái.

 

Sao Thiên phủ

Trước khi phong Đát Kỷ làm phi, Trụ Vương đã có chính thật là Khương Hoàng Hậu. Khương Hoàng Hậu là người phụ nữ hiền lương, tài trí, đã từng trợ giúp Trụ vương trị lý triều Ân một thời gian. Nhưng từ sau khi Đát Kỷ theo lệnh của Cửu Thiên Huyền Nữ nhập cung, làm hỗn loạn hậu cung, mọi sự sủng ái của Trụ Vương đều về tay Đát Kỷ, Khương Hoàng Hậu bị tước đoạt hết quyền lực, sau đó, vì chịu sự đố kỵ của Đát Kỷ mà phải chết thảm.

Quê hương của Khương Hoàng Hậu có sản vật phong phú. sau khi được thăng làm hoàng hậu, ngoài đối xử nhân từ với kẻ dưới, bà con ban tặng họ những sản vật địa phương và cống hiến tài năng ưu việt của mình cho xã tắc. Sau khi mất, Thái Bạch Kim Tinh đã đưa linh hồn bà về đóng quản tại sao Thiên phủ, chủ về tài năng, sản vật và sự nhân từ.

 

Sao Thái âm

Hoàng Phi Hổ là tướng quân rất mực trung thành của Trụ Vương. Phu nhân của ông là Giả thị có nhan sắc vô cùng xinh đẹp, xem khắp thiên hạ triều Ân chỉ có sắc đẹp của bà mới có thể sánh ngang được với Đát Kỷ. Vì thế, Đát Kỷ nảy sinh lòng ganh ghét, đố kỵ.

Theo quy tắc của triều Ân, vào ngày mùng 1 Tết, bá quan văn võ cùng các phu nhân đều phải vào cung bái mừng quân vương. Đây là một thông lệ truyền thống. Giả phu nhân cũng theo Hoàng Phi Hổ vào cung bái mừng Trụ Vương. Lúc này, Đát Kỷ ngầm xin Trụ Vương giữ Giả phu nhân ở lại hậu cung đề trò chuyện, để Hoàng tướng quân một mình trở về nhà trước.

Đát Kỷ lúc này mới dụ Giả phu nhân lên lầu cao, khéo léo tạo cơ hội để một mình Giả phu nhân tiếp rượu Trụ Vương. Trụ Vương sau khi uống rượu liền mất đi lý trí, bản tính háo sắc nổi lên nên đã buông lời chòng ghẹo và có hành động trái lễ với mỹ nhân tuyệt thế này. Giả phu nhân vì muốn thoát thân, giữ gìn trinh tiết nên đã tuẫn tiết. Thái Bạch Kim Tinh thấy bà là người trinh tiết hơn người nên đã đưa linh hồn bà lên thiên giới, mời bà về đóng quản tại sao Thái âm, chủ về sự thanh khiết, an nhàn.

 

Sao Tham lang

Khi nhàn Ân diệt vong, Đát Kỷ cũng bị bắt và bị xử tội chết. Thái Bạch Kim Tinh đã đưa linh hồn Đát Kỷ lên thiên giới và cho tọa ở sao Tham lang, chủ về dục vọng. 

Sở dĩ Thái Bạch Kim Tinh cho Đát Kỷ lên thiên giới và đóng quản một ngôi sao là do lo sợ Đát Kỷ sẽ làm nhiều việc ác hại người. Bên ngoài điện thần của Đát Kỷ có một đàn sói dữ canh cổng, nhằm đảm bảo rằng Đát Kỷ sẽ ở yên trong cung mà không thoát ra ngoài hại dân.

 

Sao Cự môn

Trong cõi trần thế, nếu người phụ nữ luôn phá hoại vận thế của chồng, lại thường hoài nghi, đố kỵ với người khác và hiềm khích với cả người thân, bạn bè của chồng sẽ khiến không ai muốn trợ giúp chồng bà ta. Vì thế, chồng bà ta tất cũng sẽ mất đi những cơ hội thăng tiến tốt đẹp.

Vợ của quân sư Khương Tử Nha - Mã Thiên Kim cũng nổi tiếng là một người phụ nữ như thế. Từ sau khi bà được gả làm vợ Khương Tử Nha thì vận mệnh của ông luôn gặp bất hạnh, quanh năm sống trong bần cùng nghèo khó.

Thường ngày, Mã Thiên Kim thường hay oán trách, lăng mạ Khương Tử Nha mà không hề mảy may nghĩ đến chuyện giúp đỡ chồng thành danh. Đến năm 68 tuổi vì không chịu được cuộc sống bần hàn nên đã đề nghị mỗi người một đường riêng. Chính từ sau đó, vận mệnh của Khương Tử Nha đã bước sang một trang mới khi được đi theo và phò tá Vũ Vương tiêu diệt nhà Ân, được phong cho nước Tề. Lúc bấy giờ, Mã Thiên Kim vô cùng hối hận nên đã tự vẫn.

Thái Bạch Kim Tinh sau khi thấy bà tự vẫn đã đưa linh hồn bà lên thiên giới và cho tọa ở sao Cự môn, chủ về thị phi, bởi khi còn sống mỗi lần Mã Thiên Kim mở miệng lại gây ra chuyện thị phi, lắm lời.

 

Sao Thiên tướng

Trụ Vương có rất nhiều trung thần, trong đó có Văn thái sư là người nắm toàn quyền về văn và kiêm chức đại nguyên soái. Trong trận quyết chiến giữa nhà Ân và Chu, Văn thái sư đã bị quân đội nhà Chu tấn công nên tử trận.

Thái Bạch Kim Tinh cảm động trước tấm lòng trung dũng của ông nên đã dẫn linh hồn ông lên thiên giới, để ông đóng quản tại sao Thiên tướng, chủ quản về sự trung thành, tận tụy.

 

Sao Thiên lương

Những chủ nhân của các sao kể trên đều là sau khi chết, linh hồn của họ được Thái Bạch Kim Tinh dẫn lên thiên giới. Nhưng lại có một nhân vật dù chưa qua đời cũng vẫn được lên thiên giới, đó chính là tướng quân nguyên soái nhà Chu là Lý Thiên Vương. 

Lý Thiên Vương anh dũng trải qua trăm trận chiến mà không tử trận. Tuy vậy, do không tìm được ai thích hợp hơn nên Thái Bạch Kim Tinh đã mời ông lên thiên giới, chủ tọa sao Thiên lương, chủ về lãnh đạo và sự bền vững.

 

Sao Thất sát

Tướng quân Hoàng Phi Hổ cũng là một người anh dũng. Sau khi nghe tin vợ mình bị Trụ Vương bức tử đã nổi giận, huy động ngàn quân theo về triều Chu, nguyện diệt nhà Ân để báo thù cho vợ. Hoàng Phi Hổ mỗi lần ra quân đều bách chiến bách thắng nhưng bất hạnh thay trong trận chiến cuối cùng, ông lại tử nạn ở huyện Dẫn Trì. Thái Bạch Kim Tinh đã đưa linh hồn ông lên thiên giới, tọa ở sao Thất sát chủ quản về chiến tranh.

 

Sao Phá quân

Trụ Vương lên ngôi chưa được bao lâu đã có các bề tôi trung thần là Tỳ Can, Văn thái sư giúp sức, cho nên nước Ân cũng một thời được hòa bình yên ổn. Nhưng từ khi Đát Kỷ xuất hiện thì tính cách của Trụ Vương lại thay đổi, suốt ngày đam mê tửu sắc, không màng đến chính sự, giết hại nhiều trung thần khiến cuộc sống của người dân ngày càng trở nên khốn quẫn. 

Khi biết nhà Chu khởi quân lật đổ nhà Ân, Trụ Vương biết không thể đánh lại nên đã lên lầu phóng hỏa tự sát. Sau khi Trụ Vương qua đời, Thái Bạch Kim Tinh bèn triệu linh hồn của Trụ Vương lên thiên giới, bắt ông ta vĩnh viễn phải ở sao Phá quân, chuyên cai quản những việc “phá tổn”.

Thầy Tam Nguyên

Tổng thư ký Hiệp hội dịch học Thế giới phân hội Việt Nam

Viện phó thường trực Viện nghiên cứu & Phát triển Văn hóa Phương Đông

Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc Phong thủy Tam Nguyên.

Đặt Lịch Tư Vấn

Quý khách để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất trong vòng 24h
Tags:
1900.2292 Facebook Page Facebook Messenger Zalo Chat Chat trực tiếp

Hỗ trợ