“Việt Nam Phong Tục” - Thông Điệp Về Quốc Túy Phong Tục Việt Nam

Việt Nam là một nước có nền văn hóa và lịch sử lâu đời, đa dạng và phong phú
Review sách • 04/09/2020
Cẩm nang kiến thức phong thủy trực tuyến

Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á có bề dày lịch sử và nền văn hóa truyền thống lâu đời vô cùng phong phú và đa dạng. Có rất nhiều phong tục, tập quán, những tín ngưỡng dân gian, những tư tưởng giáo lý khác nhau của mỗi một tôn giáo đã tạo nên bản sắc riêng cho đất nước của ta. Và một trong những cuốn sách tổng hợp rõ nhất những phong tục truyền thống từ ngàn đời xưa mà cha ông để lại chính là “Việt Nam Phong Tục” của tác giả Phan Kế Bính. Vậy cuốn sách này miêu tả những gì? Hãy cùng Phong Thủy Tam Nguyên khám phá nhé!

Phong tục là gì?

Nấu bánh chưng ngày Tết cũng là một trong những phong tục truyền thống được người dân ta lưu giữ từ ngàn đời này (Ảnh minh họa)

Phong tục là toàn bộ những hoạt động sống của con người được hình thành trong quá trình lịch sử và ổn định thành nề nếp, được cộng đồng thừa nhận, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phong tục không mang tính cố định, bắt buộc như nghi thức, nghi lễ, nhưng cũng không tùy tiện như hoạt động sống thường ngày. Nó trở thành một tập quán xã hội tương đối bền vững và tương đối thống nhất.

Phong tục có thể ở một dân tộc, địa phương, tầng lớp xã hội hay thậm chỉ một dòng họ, gia tộc. Phong tục là một bộ phận của văn hóa và có thể chia thành nhiều loại. Hệ thống phong tục liên quan đến vòng đời của con người, như phong tục về sinh đẻ, trưởng thành, cưới xin, mừng thọ và lên lão... Hệ thống phong tục liên quan đến hoạt động của con người theo chu kỳ thời tiết trong năm, hệ thống phong tục liên quan đến chu kỳ lao động của con người...

Phong tục là một bộ phận của văn hóa, có vai trò quan trọng trong việc hình thành truyền thống của một dân tộc, địa phương. Nó ảnh hưởng đến cả cách ứng xử của cá nhân trong cộng đồng. Phong tục được tuân thủ theo quy định của luật tục hay hương ước.

Cùng với sự phát triển của xã hội, một số phong tục hiện nay đã không còn phù hợp với thời đại mới, bị đào thải, trong khi một số phong tục mới đã được hình thành. Ở Việt Nam, cuộc vận động xây dựng gia đình, xóm làng, phường, xã, khu dân cư văn hóa mới nhằm loại trừ các phong tục lỗi thời, duy trì và phát triển những phong tục tốt đẹp đã bước đầu mang lại những kết quả tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa mới của các tầng lớp nhân dân.

Đôi nét về tác giả Phan Kế Bính

Sau thất bại của các cuộc khởi nghĩa theo phương pháp bạo động diễn ra vào cuối thế kỷ 19 mà nổi bật trong đó là hai phong trào Văn Thân của các nho sĩ phát động và phong trào Cần Vương hưởng ứng lời kêu gọi của Phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi, một lớp nhà nho tiến bộ đã thực hiện các cuộc đấu tranh theo đường lối duy tân. Những đại diện của đường lối này như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Lương Văn Can… quan niệm rằng công cuộc giành lại độc lập cho đất nước chỉ có thể được thực hiện với việc cải cách xã hội, nâng cao dân trí, dân quyền, bài trừ hủ tục cũng như thay đổi phương pháp giáo dục đã quá lỗi thời.

Phan Kế Bính - một trong số những nhà Nho ủng hộ mạnh mẽ phong trào Duy Tân (Ảnh minh họa)

Một trong số những nhà nho công khai hưởng ứng phong trào này thời bấy giờ chính là Phan Kế Bính. Phan Kế Bính quê ở làng Thụy Khê, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội). Năm Bính Ngọ (1906), Phan Kế Bính dự thi Nho học và đỗ cử nhân, nhưng không ra làm quan, mà ở nhà dạy học. 

Là một người xuất thân từ nền giáo dục khoa cử Nho học nhưng không chọn quan trường làm con đường tiến thân, Phan Kế Bính lại sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ và đi theo con đường làm báo, dịch thuật, biên khảo,… Chính vì vậy, ông là một người có quan điểm đổi mới mạnh mẽ và công khai hưởng ứng Cuộc vận động Duy Tân. Cũng trong chính hoàn cảnh đó, “Việt Nam phong tục” đã ra đời, mang đậm tinh thần duy tân của Phan Kế Bình, đồng thời cũng là công trình nổi bật nhất trong toàn bộ sự nghiệp của ông.

“Việt Nam phong tục” truyền tải những gì đến bạn đọc?

Cuốn “Việt Nam phong tục” là bộ biên khảo khá đầy đủ, ngắn gọn, súc tích về các phong tục, tập quán, từ phong tục liên quan đến gia tộc, phong tục gắn liền với làng xóm và phong tục tiêu biểu cho xã hội. Tác phẩm được xây dựng trên kinh nghiệm của một nhà nho đa tài, có tư tưởng tiến bộ. Bên cạnh việc miêu tả ngắn gọn, đầy đủ về các phong tục, tác giả Phan Kế Bính còn đưa ra những lời nhận định nghiêm túc, có ý hướng đến canh tân hủ tục, đồng thời giữ gìn và phát huy phần mỹ tục quốc túy: “Cái phong tục truyền đã lâu, không dễ mà mai một đổi ngay được. Muốn đổi thì phải lựa dần dần. Trước hết phải xét điều gì quá tệ thì bỏ bớt đi, rồi lâu lâu mới đem cái tục hay mà bổ hết cho cái tục dở. Còn tục mà là quốc túy của ta thì ta cứ giữ lấy”. Ngay trong lời mở đầu, Phan Kế Bính đã trình bày một cách rõ ràng quan điểm cũng như mục đích của mình khi thực hiện cuốn sách, đó là “kê cứu cho biết cái nguyên ủy những cái phong tục của mình, và xem những tục mới có điều gì nên theo, thì bàn tham bác vào để chờ có khi mà thay đổi được chăng.”

"Việt Nam phong tục" là cuốn sách ghi dấu ấn đậm nét nhất trong sự nghiệp của nhà Nho Phan Kế Bính (Ảnh minh họa)

Sách được Phan Kế Bính cho xuất bản từ năm 1915, giai đoạn mà đất nước ta đã bị thực dân Pháp đô hộ, văn hóa Tây phương tràn vào quê hương của ta. Thế nên cuốn sách có một điều rất mới lạ: xen lẫn những phong tục lâu đời của dân ta, tác giả cũng bình luận thêm rằng ta khác văn hóa phương Tây ở điểm nào. Phan Kế Bính là một nhà nho. Những nhà nho của xã hội cũ thường khó có thể tiếp nhận được những tư tưởng phương Tây, nhưng ông thì khác. Đây là một điều đáng khâm phục. Không chỉ tiếp thu, ông còn thấy được cả những ưu điểm mà phong tục ta nên học hỏi, đây lại là một điều đáng khâm phục hơn. Tất nhiên, vì vốn dĩ là một nha Nho, nên ông vẫn còn nhiêu tư tưởng của thời xưa. Ví như chuyện lấy vợ nhiều ông coi là việc bình thường chẳng hạn.

Toàn bộ tác phẩm được chia thành 3 thiên lớn tương ứng với 3 thiết chế đặc trưng cấu thành nên một xã hội truyền thống theo thứ tự từ thấp đến cao là: gia đình, hương đảng và xã hội. Đây cũng chính là trật tự điển hình của một xã hội nông nghiệp Á Đông. Trong đó gia đình là thành tố nhỏ nhất mà từ đó những mối quan hệ, ràng buộc hay lề thói sẽ được phát triển dần lên thành thiết chế, đặc tính của một quốc gia. Việc phân chia, sắp xếp này đồng thời cũng thể hiện sự khéo léo của Phan Kế Bính trong việc phác họa lại một phần mô hình xã hội Việt Nam đương thời với những nét biểu trưng cụ thể thuộc về cả đời sống vật chất và tinh thần. Trong đó có đầy đủ cái xấu lẫn cái tốt, cái hay lẫn cái dở, cái tiến bộ lẫn cái lỗi thời.

Qua những đoạn văn ngắn, xúc tích, tác giả đã đề cập khá đầy đủ về phong tục trong gia tộc, thôn xóm, trong xã hội. Tệ đoan lớn nhất thời phong kiến vẫn là tục lệ “xôi thịt”, tranh giành nhau từng tấc, từng ly về thể diện, vì nhờ thể diện mà người ta được thêm ít nhiều xôi, thịt. Ngày xưa lại chuộng hình thức đạo đức giả, thí dụ như lúc ma chay, con cháu thi nhau khóc để cho họ hàng chòm xóm nghe thấy, về thực chất là “che mắt thế gian”. Tác giả mô tả tệ đoan đồng bóng, cầu hồn khá tỉ mỉ, để rồi đả phá. Đến các thầy phù thủy, tác giả viết: “Than ôi, đạo phù thủy cùng là đạo đồng cốt; còn thịnh hành ngày nào thì dân trí còn ngu xuẩn ngày ấy”. Về việc cầu cơ bút, xin xăm, tác giả tỏ ra khách quan: “Cách đoán thẻ cũng như cách đoán thơ tiện, lắm câu viển vông mà về sau cũng có khi linh nghiệm”. Lại đề cập cách phát âm để khẳng định tính thống nhất của dân tộc ta, người ở Bắc, ở Nam nghe một hai tiếng thì có thể khó hiểu, nhưng nghe cả câu thì rõ ràng là dễ hiểu.

Cuốn sách ra đời hơn 100 năm trước, cho đến thời điểm này vẫn là sách “gối đầu giường” cho rất nhiều thế hệ học giả nghiên cứu văn hóa nói chung và văn hóa dân gian nói riêng. Duy có điều từng câu, từng chữ trong sách quý vẫn còn quá ít người đọc và hiểu được.

Mong rằng sau khi xếp sách lại, người đọc sẽ thấy toát lên tình yêu thiên nhiên, tình đoàn kết giữa người trong một nước. Muốn cho một nếp suy nghĩ trở thành phong tục, phải kinh qua thời gian dài; muốn đả phá một tục lệ, cũng phải kiên trì, cương quyết.

 

Nếu cuốn sách trên chính là điều mà quý độc giả đang tìm kiếm thì hãy đặt NGAY để sở hữu nó, bổ sung thêm vào nguồn kiến thức của mình một lĩnh vực hay ho và thú vị nhé!

Thầy Tam Nguyên

Tổng thư ký Hiệp hội dịch học Thế giới phân hội Việt Nam

Viện phó thường trực Viện nghiên cứu & Phát triển Văn hóa Phương Đông

Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc Phong thủy Tam Nguyên.

Đặt Lịch Tư Vấn

Quý khách để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất trong vòng 24h
Tags:
1900.2292 Facebook Page Facebook Messenger Zalo Chat Chat trực tiếp

Hỗ trợ